Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư khẳng định, thuốc lá được cho là nguyên nhân của trên 30% trong tổng số các loại ung thư ở người, riêng đối với ung thư phổi, hút thuốc lá là nguyên nhân của trên 90% trường hợp. Trong khói thuốc không chỉ có chất nicotin ảnh hưởng đến hệ tim mạch, mà còn có trên 70 loại hóa chất độc hại khác nhau có thể gây ung thư. Đặc biệt, trong số này có tới 43 chất đã được chứng minh là gây bệnh ung thư như benzopyren, nitrosamine, cadmium, niken, urethane, toluidin… riêng benzopyren là chất có khả năng 100% gây ung thư trên thực nghiệm. Hút thuốc ở người tuổi càng trẻ, thời gian hút càng dài, số lượng hút trong một ngày càng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư càng cao. Nếu người hút thuốc kèm theo nghiện rượu thì nguy cơ mắc ung thư các loại liên quan còn cao hơn nữa. Ngoài ung thư phổi thì thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ cao gây ra một số loại ung thư khác như ung thư thanh quản, khoang miệng, bàng quang, ung thư tụy, thận... Không chỉ gây ra ung thư, thuốc lá cũng là nguyên nhân của các bệnh như Bệnh lý ở hệ hô hấp: Bệnh lý ở đường hô hấp trên: như viêm mũi mạn tính, viêm họng mạn tính, viêm thanh quản mạn tính, Bệnh lý ở đường hô hấp dưới: viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phế quản. Bệnh lý ở phổi: Viêm phổi, dãn phế nang, Bệnh lý hệ mạch máu: bệnh xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, bệnh thuyên tắc động mạch, tai biến mạch máu não. Các ảnh hưởng của thuốc lá lên chức năng sinh sản: giảm trọng lượng thai nhi, sinh non, băng huyết sau sinh, dễ sảy thai ngẫu nhiên, gia tăng tần suất sinh ra thai nhi bị bất thường bẩm sinh. Thời kỳ cho con bú: Nicotine được thải qua sữa có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Nam giới hút thuốc lá có thể bị suy nhược sinh dục hay liệt dương. Ảnh hưởng của thuốc lá lên hệ thần kinh: Những chứng minh gần đây cho thấy hút thuốc lá làm giảm số lượng các tế bào thần kinh trong não. |