Tiến cho hay là học sinh của trường không chuyên, lại top dưới, việc lọt được vào đội tuyển môn Địa lý của TP Hà Nội dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia thực sự như một sự may mắn, bởi phải vượt qua rất nhiều đối thủ, đặc biệt các bạn đến từ các lớp chuyên.
Năm nay là lần đầu tiên Tiến được tham gia dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Năm ngoái, em có tham dự thi vượt cấp môn Địa lý ở kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố và đạt giải Nhì, song may mắn chưa mỉm cười.
Nhưng nỗ lực của nam sinh cuối cùng đã được đền đáp.
Đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia của Hà Nội năm học này gồm 20 học sinh, có 15 người đạt giải, trong đó 1 giải Nhất, 6 giải Nhì, 5 giải Ba và 2 giải Khuyến khích.
Trong số 20 người, chỉ duy nhất Tiến là học sinh không chuyên, số còn lại đều đến từ các lớp chuyên Địa lý của các trường chuyên hoặc có lớp chuyên.
“Những ngày đầu đi ôn, em có phần lo sợ. Em lo lắng về kiến thức và môi trường học tập mới, lần đầu tiên đi học ôn xa nhà và số giờ học cũng khác biệt”.
Đến từ trường thuộc huyện khó khăn và có mức điểm chuẩn đầu vào lớp 10 thấp, Tiến cho hay, thời gian đầu, em cảm thấy bất lợi so với các bạn học trường chuyên. “Thời gian đầu, em có phần hụt hơi so với các bạn. Sau những bài kiểm tra đầu trong quá trình ôn đội tuyển, em thấy điểm ở mức không cao”.
Tiến có phần hơi bỡ ngỡ vì nhiều kiến thức mở rộng mới, thậm chí em chưa từng biết. Em cảm nhận các bạn được tiếp xúc với nhiều kiến thức mới, rộng hơn.
Thấy mình hơi đuối, Tiến chủ động tham vấn các anh chị đi trước trong huyện Ba Vì về cách học, cũng như tìm cách thay đổi các phương pháp học.
“Những ngày đầu học ôn đội tuyển, thật sự đó là những khó khăn cả về di chuyển lẫn kiến thức với em. Nhưng nhờ có sự động viên, hỗ trợ của các thầy cô, bạn bè và gia đình đã giúp em vượt qua những khó khăn đó. Dần dần, khi cả lớp cùng tiếp cận một vấn đề mới, em không còn thấy có sự khác biệt về mặt tư duy”, Tiến nói.
Điểm số những bài kiểm tra của em cũng dần được cải thiện và Tiến chứng minh năng lực của mình với giải Ba năm nay.
Kết quả bất ngờ, nhưng nam sinh cũng có phần nuối tiếc. “Bởi em được 13 điểm, trong khi, mức 13,25 điểm đã có thể giành giải Nhì”, Tiến chia sẻ đầy tiếc nuối.
Kết quả có thể tốt hơn nếu Tiến không đọc nhầm nội dung một câu hỏi do áp lực trong phòng thi. “Ngoài ra, một số câu, em làm thiếu ý, trong khi thực tế những ý đó mình hoàn toàn có thể làm được”.
Tiến cho hay em theo đuổi môn Địa lý xuất phát từ sự đam mê từ cấp THCS và được truyền cảm hứng từ một cô giáo của em. Em có sở thích xem bản đồ, atlat và tìm hiểu về thế giới.
Môn Địa lý cũng hấp dẫn em bởi cảm nhận kiến thức có thể áp dụng được ngoài đời sống.
“Em cảm thấy môn học này có cả kiến thức tự nhiên lẫn xã hội, có thể áp dụng được nhiều vào trong cuộc sống nên em theo đuổi từ đó”.
Môn Địa lý không chỉ đòi hỏi về phân tích xã hội, dân cư,... còn đòi hỏi cả những kỹ năng về tính toán, xử lý số liệu. Thời gian đầu, Tiến mất khá nhiều thời gian để xử lý những câu nghiêng về xử lý toán, hơn những câu lý thuyết. Nhưng dần dần, em cũng cải thiện được và rút ngắn được thời gian cho những câu đòi hỏi tính toán.
Phương pháp học của Tiến là cố gắng học thật chắc để nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, sau đó học cách xử lý số liệu và làm bài tập thật nhuần nhuyễn. “Lý thuyết có nắm vững, chúng ta mới có thể vận dụng để trả lời tốt các câu hỏi”.
Ngoài việc học trong sách giáo khoa, em học thêm các tài liệu của các thầy cô, trao đổi tài liệu và học thêm kiến thức ở trên các hội nhóm Facebook.
Với giải Ba, Tiến là học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý đầu tiên và cũng là học sinh giỏi quốc gia đầu tiên của Trường THPT Minh Quang trong lịch sử 10 năm thành lập.
Em cũng trở thành thí sinh thứ ba của huyện Ba Vì là học sinh giỏi quốc gia.
Với kết quả này, Tiến sẽ được tuyển thẳng vào đại học sau khi kết thúc bậc phổ thông. Tuy nhiên nam sinh cho hay, thời điểm này, em chưa có định hướng cụ thể và còn nhiều thời gian để cân nhắc cho những hướng đi xa hơn. Việc nam sinh muốn tập trung là hoàn thành tốt việc học trên lớp trước khi tốt nghiệp THPT.
Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT đề xuất, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng thang bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non).
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi của nhà giáo theo đúng chủ trương và lộ trình cải cách tiền lương của Đảng và Nhà nước.
Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước đối với cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng chuyển từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục phổ thông công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách.
Kiểm tra, thanh tra công tác xã hội hóa biên soạn SGK
Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Khi kết thúc năm học 2024 - 2025, Bộ tiến hành tổng kết đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; tổng kết đánh giá việc xã hội hóa biên soạn SGK, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về việc sử dụng ngân sách nhà nước biên soạn một bộ SGK.
Bộ GD-ĐT cũng phải hoàn thành việc biên soạn, tổ chức in, phát hành SGK tiếng dân tộc thiểu số, SGK cho người khiếm thị bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ; hướng dẫn việc in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương; thử nghiệm và sử dụng SGK điện tử theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc tổng kết việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; rà soát, hoàn thiện, đề xuất các cơ chế, chính sách để bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho đổi mới giáo dục phổ thông.
Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định phân cấp trong quản lý nhà nước về giáo dục nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương, trong đó có việc phân cấp phê duyệt tài liệu giáo dục của địa phương.
Về tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT, kiểm tra việc quản lý, sử dụng biên chế giáo viên.
Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT bố trí bảo đảm ngân sách cho giáo dục và đào tạo theo quy định, ưu tiên bố trí ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục...
Với các địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; tiếp tục tuyển dụng đủ số biên chế được giao...
Theo TTXVN