Tôi hiểu cả hai bộ phim đang muốn truyền đi thông điệp tích cực trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn bị mặc định xưa nay là hiếm khi cơm lành canh ngọt, nhưng xem Gia đình mình vui bất thình lình,tôi có cảm giác bà Cúc và Phương chỉ có trên phim chứ không có ngoài đời. Đành rằng xã hội đầy rẫy những bà mẹ chồng tốt bụng nhưng đến mức hiểu và thương con dâu hơn cả con trai như bà Cúc thì hơi khó tìm.
Bà Cúc tìm cách cho con dâu làm lành với con trai bằng cách giục Phương mang cơm cho Công, thậm chí chủ động mang cơm đến chỗ làm cho con trai để tìm hiểu về cô sinh viên thực tập Mai - người bị nghi trở thành người thứ 3 trong mối quan hệ của con dâu trưởng. Biết Công vô tâm với vợ và luôn nói ra những điều không hay, bà còn dặn dâu út quan tâm hỏi han để động viên Phương và sẵn sàng bán hàng giúp con dâu trưởng để cô yên tâm đi làm đẹp. Tôi nói thật ngoài đời làm gì có mẹ chồng nào như thế, phim cường điệu hơi quá.
Không chỉ bà Cúc, ông Toại thậm chí còn mắng cả con trai vì tội "chèn ép" con dâu hiền lành, nghi ngờ Công có tình cảm với người khác. Nhân vật bố chồng cũng được xây dựng lý tưởng khiến tôi xem phim cứ thấy sai sai vì chả thực tế.
Gia đình mình vui bất thình lìnhcũng dựng lên mối quan hệ "lý tưởng trên phim" của 3 chị em dâu. Sống chung một mái nhà với những cá tính khác nhau nhưng Phương, Hà, Trâm Anh ít va chạm ngoại trừ những màn cãi vã khi Trâm Anh sắp về làm dâu. Phim cũng tạo tình huống để Hà và Trâm Anh đụng độ nhau khi Hà buộc phải nhường lại phòng cho vợ chồng Trâm Anh sau đám cưới.
Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng mối quan hệ của 2 nàng dâu này sẽ ngày càng tệ đi, phim "bẻ lái" theo hướng 3 chị em dâu khi đã hiểu nhau thì ngày càng đoàn kết, thậm chí rủ nhau đi làm đẹp. Hà và Trâm Anh cùng lên kế hoạch giúp Phương hâm nóng tình cảm của chồng và lên kế hoạch đánh ghen giúp chị dâu khi tiểu tam xuất hiện.
Cũng như nhiều khán giả, tôi thấy nhân vật Hà trong Gia đình mình vui bất thình lìnhlố quá. Có gia đình chồng con rồi mà cư xử như trẻ con, đặc biệt vô duyên khi lao vào phòng em chồng trong đêm tân hôn để lấy quạt sưởi. Ngoài đời có ai "không có não" đến mức cư xử thiếu tế nhị như thế dù tính cách có hồn nhiên, trẻ con đến mấy.
Nhân vật tôi thấy thực tế nhất lại là Công, cũng là nhân vật đang bị khán giả 'ném đá' dữ dội nhất phim Gia đình mình vui bất thình lình. Công bị chỉ trích là vô tâm, 'hãm', vô dụng... nhưng mang nhiều đặc điểm nhất của rất nhiều ông chồng hiện nay. Công ở nhà lúc nào cũng phũ mồm với vợ, ăn nói cộc cằn, thiếu quan tâm chia sẻ nhưng đi làm thì cư xử khác hẳn với người ngoài. Những ông chồng kiểu như Công tôi thấy đầy ngoài đường, thô mà thật.
Tuy vậy, trong dàn diễn viên, tôi thấy ai cũng diễn hay, duyên dáng và đặc biệt hợp vai. Khó hình dung nếu không phải là NSND Bùi Bài Bình, NSND Lan Hương, Thanh Sơn, Doãn Quốc Đam, Quang Sự, Kiều Anh, Lan Phương, Khả Ngân thì không biết ai sẽ vào vai ông Toại, bà Cúc, Công, Thành, Danh, Phương, Hà, Trâm Anh thú vị như thế.
Trích phim 'Gia đình mình vui bất thình lình' tập mới nhất
Độc giả Ngọc Minh (Hà Nội)
Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: [email protected]. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!
Chia sẻ với PV VietNamNet về thời gian học lái xe của mình, chị Hồ Thị Nhàn (37 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) "thở phào" khi vừa may mắn hoàn thành các điều kiện cần thiết, trong đó có "KPI" là 810 km đường trường để sẵn sàng cho đợt sát hạch tới.
Chị Nhàn kể, mình khá "đen" khi đăng ký học lái xe vào đúng lúc dịch bệnh nên thời gian bị kéo dài đúng 1 năm. Tháng 6 vừa qua, dù đã "hòm hòm" phần lý thuyết và đi trong sa hình nhưng gặp quy định mới nên vẫn buộc phải lái đủ 810km đường trường.
"Trước đây, thầy đã cho học viên lái loanh quanh ngoại thành Hà Nội nhưng chưa được tính km trên thiết bị. Khi có quy định mới, chúng tôi phải chạy lại và muốn đi đủ số km, chúng tôi buộc phải lái đi xa, đi trên cao tốc. Xe chúng tôi có 3 học viên nữ thường phải đi cùng nhau, riêng việc ngồi xe xem người khác lái cả trăm km mỗi ngày cũng đủ mệt mỏi rồi", chị Nhàn nói.
Nhóm của chị Nhàn còn được thầy giáo yêu cầu nộp thêm mỗi người 2 triệu để bù đắp một phần tiền xăng xe. Trước đó, mỗi người đã đóng tiền học phí trọn gói vào khoảng 13 triệu, nhưng đây là điều không mong muốn nên cả nhóm vẫn "rút hầu bao" chia sẻ với thầy, coi như có thêm trải nghiệm trên đường.
Còn anh Nguyễn Minh Thành (28 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại "đen" kiểu khác. Cách đây 1 tháng, dù đã đi đủ hơn 800km theo đúng quy định, nhưng không hiểu sao trong quá trình đăng xuất và gửi dữ liệu về trung tâm lại bị lỗi và thiết bị chỉ hiển thị được quãng đường đã đi là hơn 500km. Chẳng còn cách nào khác, thầy và trò đành "cắn răng" chạy lại cho đủ 810km để kịp kỳ sát hạch.
"Xe của tôi còn 1 bạn nữa cũng xảy ra tình trạng tương tự và phải lái bổ sung. Dù không phải lỗi của học viên nhưng khi chạy thêm 300km, chúng tôi vẫn phải đưa cho thầy 3 triệu mỗi người. Ngoài ra còn chi phí ăn uống dọc đường, rồi bị trừ lương do xin nghỉ 2 ngày", anh Thành thở dài.
Trên thực tế, những câu chuyện bị hài liên quan đến học lái xe như của chị Nhàn, anh Thành ở trên không phải hiếm gặp. Về phía những người dạy lái, họ cũng gặp không ít khó khăn.
Anh Nguyễn Thanh Tùng - giảng viên dạy lái xe tại Hà Nội cho biết, từ khi có quy định mới về số km đi đường trường, học viên của anh "kêu như vạc" bởi ngoài mất thời gian, công sức thì đa số đều phải nộp thêm tiền. Tuy vậy, tiền này cũng chẳng thể "bỏ túi" mà chi trả tiền xăng và khấu hao xe là vừa đủ.
"Trước đây, chúng tôi chủ yếu dạy trong sa hình và tuỳ khả năng từng người, còn đi đường trường gọi là cho đủ chương trình. Nay làm nghiêm bằng DAT, học viên mất thời gian một thì giáo viên mất thời gian gấp 2-3 lần, nhất là những lúc thiết bị trục trặc, mất tín hiệu,...", anh Tùng chia sẻ.
Anh Tùng cho rằng, quy định mới của Bộ Giao thông vận tải là nhằm “siết chặt” chất lượng dạy và học lái xe. Đây là chủ trương đúng đắn khi nhiều học viên dù lấy được bằng nhưng vẫn “không dám lái xe ra đường”.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, người học dù đều là đang chuẩn bị thi lấy bằng nhưng lại có trình độ rất khác nhau. Có người đã lái rất tốt và cẩn thận, còn nhiều người vẫn kém về kỹ năng xử lý tình huống. Thế nên việc áp mức "fix cứng" 710 hay 810km là hơi cứng nhắc và nên có phương án khác mềm hơn, ví dụ như người lái còn kém thì cần kéo dài thời gian chạy trên đường trường hoặc ngược lại.
Ngoài ra, vấn đề lỗi thiết bị cũng là một rủi ro khách quan. Các thiết bị DAT do các Trung tâm cung cấp nên cũng cần giải pháp đảm bảo các thiết bị này được lắp đặt trên xe dạy lại phải chính xác.
Hoàng Hiệp
(Đón xem Bài 2: Lỗi thiết bị giám sát quãng đường học lái, học viên thiệt đơn thiệt kép)
Bạn có bình luận thế nào về quy định giám sát học lái đường trường trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Làm việc cho một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới với hơn 3.600 chuyến bay mỗi tuần, Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1992, quê Hải Dương, hiện sống ở Hà Nội) đã học hỏi và mở mang thêm rất nhiều điều trong môi trường đa văn hóa. Tuy nhiên, đôi khi cô cảm nhận được sự “khinh khỉnh”, coi thường của một số người.
Cô nhớ nhất một tình huống trong chuyến bay từ New Zealand về Dubai (UAE). Khi cả đoàn tiếp viên đang ngồi nói chuyện phiếm để đợi chuyến bay bị trễ thì tiếp viên phó đi vào, tay cầm một chai nước rỗng.
“Lúc đó, một nhân viên mặt đất muốn nhờ tiếp viên đi lấy thêm nước cho họ. Mặc dù vị trí tôi ngồi xa khu bếp nhất, nhưng tiếp viên này đưa thẳng chai nước cho tôi và nói bằng giọng trịch thượng ‘đi làm đầy chai nước này’.
Khi ấy, tôi khá giận và phản ứng ngay: 'Tại sao lại là tôi?'. Tiếp viên phó kia chưa kịp đáp, thì một nữ đồng nghiệp ngồi cạnh đó nói luôn: ‘Vì cậu là người châu Á'. Tôi rất bực mình và cảm thấy bị xúc phạm.
Tôi nói luôn với đồng nghiệp: ‘Cậu tự làm đi, và đừng nói chuyện với tôi từ giờ đến cuối chuyến bay’. Tôi đi ra khỏi nhóm trong sự im lặng của mọi người. Sau đó, trên chuyến bay, cô ấy đến xin lỗi tôi và nói chỉ đùa thôi, không có ý gì.
Tôi bảo với cô ấy rằng, dù không chấp nhận lời xin lỗi nhưng tôi sẽ bỏ qua và không báo cáo lên công ty”.
Cựu tiếp viên hàng không – bây giờ đã trở thành cô giáo hàng không tâm sự, thực ra nhiều người rất thiếu tế nhị. Đặc biệt, khi họ thấy người châu Á hay nhẫn nhịn, hiền lành nên càng “được nước lấn tới”. Nên đôi khi, cô cũng phải “đanh đá” lại.
Cô giáo hàng không sinh năm 1992 tâm sự, trên các chuyến bay, đôi khi cô gặp cả những lao động nghèo người Việt. Các cô, các bác thường sang Dubai, Ảrập Xê-út để làm những công việc chân tay như giúp việc, sửa móng chân, móng tay…
“Trên những chuyến bay ấy, tôi thấy rất tội cho các cô vì các cô gần như không biết tiếng Anh, rất bỡ ngỡ trước một không gian mới lạ.
Người Việt mình lại hiền lành, không đòi hỏi nên nhiều khi các tiếp viên nước ngoài cũng không phục vụ các cô nhiệt tình hết mức có thể. Nhiều việc, lẽ ra họ phải giải thích cặn kẽ cho khách nhưng họ cố tình làm ngơ.
Chính vì thế, khi thấy người Việt Nam nói riêng, người châu Á nói chung trên chuyến bay của mình, tôi luôn cố gắng phục vụ họ tốt nhất có thể”.
Cũng từ những hình ảnh đã được chứng kiến khi còn là tiếp viên hàng không, Lan Anh luôn trăn trở: Tại sao người Việt Nam giỏi giang, thông minh như thế nhưng khi xuất khẩu lao động lại toàn chỉ thấy lao động tay nghề thấp? Làm thế nào để người Việt có nhiều cơ hội đi ra thế giới và có thu nhập cao hơn?
Đó là một trong những động lực thúc đẩy khiến Lan Anh trở thành một người đào tạo như ngày hôm nay.
Cô tự hào cho biết đã góp một phần công sức bé nhỏ của mình để đưa hàng nghìn bạn trẻ đến với nghề tiếp viên hàng không, từ đó chắp cánh để các bạn có cơ hội bay cao, bay xa hơn nữa.
Dù chỉ làm việc 3 năm ở Emirates nhưng cô cho rằng, đó là quãng thời gian mà cô đã học được nhiều nhất để có thể phát triển công việc của mình được như ngày hôm nay.
“Nghề tiếp viên hàng không giúp tôi từ một người ít nói, hướng nội trở thành một người thích trò chuyện và có khả năng giao tiếp tốt với mọi người. Thời gian phục vụ hành khách trên các chuyến bay cũng giúp tôi hiểu về con người hơn để sau này làm việc với con người tốt hơn.
Việc phải thích nghi với quá nhiều sự thay đổi khi làm công việc này cũng giúp tôi vượt qua những thách thức, thay đổi và bất trắc trong cuộc sống sau này”.
Ảnh: NVCC