Chia sẻ với VietNamNet, Nga cho hay khi biết mình giành được Huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế năm 2021, trong em nhiều cảm xúc lẫn lộn.“Năm nay cách thức thông báo, trao giải khác năm ngoái khi công bố trực tiếp trên mạng qua Youtube. Do đó, ngồi chờ đợi, em càng hồi hộp hơn”.
Đổi được “màu” huy chương, Nga cho hay em mãn nguyện với những công sức, nỗ lực mà cô trò đã bỏ ra suốt 3 năm qua. Sau khi biết kết quả, em đã gọi điện về nhà ngay để thông tin vui với mẹ.
Trước đó, tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2020, Thu Nga là học sinh lớp 11 đoạt giải Khuyến khích.
 |
Nguyễn Thị Thu Nga (học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ) giành được Huy chương Bạc ở kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2021. |
Cô Vũ Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ Sinh học của Trường THPT Chuyên Hùng Vương và cũng là giáo viên trực tiếp dạy Nga chia sẻ, sau khi biết tin, hai cô trò thức đến gần 1h sáng vẫn chưa thể ngủ vì quá vui mừng.
“Con khóc suốt từ khi biết tin vì vui sướng. Nhiều thầy cô giáo, bạn bè và cả những người quan tâm đến em khắp mọi miền đất nước cũng gọi điện chúc mừng Nga”.
Còn bản thân cô cảm thấy rất vui mừng bởi mong ước của học trò cuối cùng cũng đạt được kết quả như mong muốn.
Một hành trình 'cổ tích'
“Tôi hạnh phúc vì chặng hành trình cùng với Nga - một trường hợp học sinh đặc biệt khi vượt qua rất nhiều khó khăn - trong suốt 3 năm THPT, cuối cùng cũng hái được trái ngọt, mang về kết quả xứng đáng”.
Để đến được thành tích ngày hôm nay, Nga đã trải qua một hành trình đặc biệt.
Khi học lớp 9, Thu Nga từng là học sinh giỏi môn Sinh học cấp tỉnh 9 và được tuyển thẳng vào Trường THPT Chuyên Hùng Vương. Nhưng ở thời điểm đó, em đã từ chối cơ hội đi học ở trường chuyên.
Bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi 3 anh em Nga ăn học, gia cảnh lại khó khăn nên Nga chọn học ở Trường THPT Long Châu Sa gần nhà. Mẹ em thì hoàn toàn cho em quyền quyết định bởi cuộc sống quá nhiều lo toan.
Cô Hạnh khi đó được nhà trường giao về tận nơi để thuyết phục Nga về Trường THPT Chuyên Hùng Vương.
Cô Hạnh kể đã phải tìm đủ cách thuyết phục, thậm chí phải dẫn chứng chính cuộc đời của mình và của nhiều bạn bè để thuyết phục Nga. Cô giáo Hạnh cũng có hoàn cảnh đặc biệt khi chồng mất sớm, một mình chăm sóc 2 con.
Sau 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng Nga cũng đồng ý đi học với lá đơn nộp hồ sơ đầy nước mắt.
“Em quyết định theo cô bởi ấn tượng câu nói: Có cô rồi, em không phải lo gì nữa!”, Nga kể.
 |
Nữ sinh Nguyễn Thị Thu Nga và cô giáo Vũ Thị Hạnh. Ảnh: Thanh Hùng |
Thuyết phục được Nga về trường chuyên học, cô Hạnh đồng thời ngỏ ý đưa em về nhà ở cùng, chăm sóc, nuôi nấng.
Cô Hạnh coi Nga như một đứa con trong nhà, lo cho Nga tất cả mọi sinh hoạt, gia đình không phải chu cấp gì thêm cho em. Mẹ con, cô trò có gì ăn nấy, có gì dùng nấy.
Chồng mất sớm, một mình cô nuôi 2 con trai nên khi có thêm Nga, cô phải cố gắng để chu toàn được cả việc trường lớp lẫn vai trò người mẹ ở nhà.
“Tôi coi Nga như đứa con trong nhà. Có người hỏi, mỗi tháng nuôi Nga tính ra hết bao nhiêu tiền, mình cũng nói vui lại rằng làm sao cha mẹ tính toán được với con”, cô Hạnh kể.
Không phụ lòng mong mỏi của cô, trong kỳ thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia môn Sinh học năm học 2018 - 2019 của Phú Thọ, Nga đã đạt số điểm cao nhất, khi mới chỉ là học sinh lớp 10. Tiếp đó, Nga giành giải Nhì ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và được chọn vòng 2 đội tuyển đi thi quốc tế và là trường hợp đầu tiên lọt vào vòng này khi mới là học sinh lớp 10. Nhưng năm đó Nga chỉ dừng lại ở vòng 2.
Năm lớp 11, Nga đoạt giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và lọt vào top 4, trở thành thành viên chính thức thi Olympic quốc tế Sinh học. Dù khi đó chỉ đoạt giải Khuyến khích nhưng theo các thầy cô bồi dưỡng đội tuyển, Nga là học sinh rất có tiềm năng.
Và Nga đã chứng minh năng lực thực sự với tấm Huy chương Bạc ở kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm nay.
 |
Trái ngọt đã đến sau hành trình 'cổ tích' của cô Hạnh và học trò. Ảnh: Thanh Hùng |
Nói về cô giáo, cũng là người mẹ thứ hai của mình, Nga chia sẻ, em thấy ấm áp bởi những ân tình và tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa để đền đáp ân tình đó. Nga cho hay, ngày đó em đã không sai khi theo cô Hạnh về trường.
Nữ sinh Phú Thọ quyết định sẽ theo học ngành Y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội. Nga chia sẻ em rất muốn trở thành một bác sĩ giỏi trong tương lai để có thể chữa bệnh cứu người, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
Những ngày qua, chứng kiến những sự dấn thân, nỗ lực của các y bác sĩ trong công cuộc chống dịch Covid-19, Nga càng kiên định hơn với quyết định của mình.
“Em nghĩ rằng trở thành bác sĩ mình có thể giúp đỡ được cho rất nhiều người khó khăn. Trước đại dịch, các y bác sĩ càng vất vả. Xem những hình ảnh đó, em thực sự rất cảm động và càng muốn theo đuổi con đường này”, Nga chia sẻ.
Thanh Hùng

Tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trên VietNamNet
Từ 0h ngày 26/7, Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1. VietNamNet đã cập nhật điểm thi tốt nghiệp THPT của các tỉnh/thành để phụ huynh và thí sinh tra cứu.
" alt=""/>Nữ sinh Phú Thọ bật khóc vì “đổi màu” huy chương Olympic Sinh học quốc tế năm 2021
Chúng ta không nên áp mô hình của một nước tiên tiến hay một mô hình mà ta dự định xây dựng trong tương lai xa vào cho hiện tại.Đây là quan điểm của PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương trước những tranh luận về Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ theo Thông tư 18/2021 của Bộ GD-ĐT. VietNamNet trân trọng giới thiệu với độc giả:
 |
PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương tại Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2021. Ảnh: NAG Nguyễn Á |
Quy chế về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ GD-ĐT mới ban hành (và dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/8/2021) đã gây xôn xao trong giới khoa học, trong đó có nhiều ý kiến phản biện về việc ‘hạ chuẩn’ đầu ra của tiến sĩ.
Đặc biệt, ngày 15/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng ‘nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ’.
Tôi có một số ý kiến đóng góp về tiêu chuẩn đầu ra của việc đào tạo tiến sĩ như sau:
Cần đi thẳng vào hiện trạng giáo dục
Như chúng ta biết, Thông tư có nội dung và mục đích nhằm hướng dẫn, giải thích chi tiết, cụ thể những quy định chung trong các văn bản pháp luật, có hiệu lực 45 ngày sau khi ban hành; và thời gian hiệu lực của Thông tư có thể chỉ 4 năm (như trường hợp ta đang bàn là Thông tư 08/2017 sẽ bị thay thế bằng Thông tư 18/2021 này).
Do đó, Quy chế theo Thông tư 18 sẽ được áp dụng ở ngay hiện tại và trong tương lai gần, chứ không phải ở một tương lai xa, khi ta giả thiết đã có những điều chúng ta muốn xây dựng. Vì vậy, chúng ta nên phân tích việc áp dụng Quy chế trong hiện trạng giáo dục và xã hội ta hiện nay.
So với các nước tiên tiến được không?
Khác với Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ cũ (Quy chế 2017), Quy chế mới (Quy chế 2021) không yêu cầu luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế.
Có ý kiến cho rằng ở các nước tiên tiến, ví dụ như ở Pháp, không có yêu cầu công bố với tiến sĩ. Theo tôi, ta cũng nên xét một cách tổng thể. Trước hết, ở Pháp thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ phải có bằng Tiến sĩ khoa học (Habilitation – bằng cấp cao nhất trong khoa học, kết quả của một quá trình tối thiểu 3 năm nghiên cứu cao cấp hơn sau bằng tiến sĩ) – đảm bảo vấn đề từ gốc là thầy hướng dẫn đã có kinh nghiệm và thành tích nghiên cứu. Trong khi đó, Quy chế mới của ta đã ‘hạ chuẩn’ so với Quy chế cũ khi không yêu cầu thầy hướng dẫn phải có công bố quốc tế. Ngoài ra, luận án ở Pháp được hai phản biện đánh giá với các tiêu chí cao - hầu hết các kết quả nghiên cứu trong luận án đã được gửi đi và sớm được công bố trên các tạp chí hay hội thảo khoa học uy tín.
Việc đánh giá luận án tiến sĩ ở Pháp hay nhiều nước tiên tiến là do cộng đồng khoa học đánh giá và đáng tin tưởng vì đó đã là một cộng đồng khoa học phát triển. Cộng đồng khoa học của chúng ta đã đủ phát triển chưa khi mà trong tấm bằng tiến sĩ của Pháp ghi đầy đủ tên các thành viên Hội đồng với quan trọng nhất là hai phản biện; còn ở ta, để tránh tiêu cực, tên của hai phản biện độc lập mãi mãi là bí ẩn với mọi người?
Đề xuất công khai tên của phản biện độc lập là rất hợp lý; nhưng chừng nào trong Quy chế chưa quy định những điểm mới như vậy, thì chúng ta vẫn phải xây dựng các điều khoản dựa trên các quy định cũ.
Có một số ý kiến cho rằng với Quy chế này, chúng ta vẫn có thể đạt được chuẩn mực cao bằng cách nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước, giới hạn danh sách các tạp chí được Hội đồng Giáo sư công nhận. Tuy nhiên, đó là một câu chuyện dài, của tương lai xa, chứ chưa thể áp dụng ngay vào trong Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/8 này.
Chính vì cộng đồng khoa học của chúng ta chưa đủ phát triển như vậy nên để có thể tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, chúng ta cần chấp nhận một số chế tài quy định các điều kiện hội nhập quốc tế. Do đó, để có thể nâng cao chất lượng, chúng ta chưa thể 'hạ chuẩn' đầu ra.
Một trong những băn khoăn của nhiều người là có thể có những ngành/chuyên ngành mà khó để công bố quốc tế thì ý kiến “đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, bảo đảm chất lượng”, có lẽ là thỏa đáng.
Có thực sự tự chủ tích cực?
Với các quy chế trước đây, từng cơ sở đào tạo vẫn có thể giữ nguyên chuẩn đầu ra hoặc nâng cao lên (như Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam). Vậy thì vấn đề tự chủ về công nhận trình độ tiến sĩ sẽ tạo điều kiện để những cơ sở đào tạo chưa đạt được chuẩn đầu ra như trước đây sẽ có chuẩn đầu ra thấp hơn?. Liệu chúng ta có thể tin rằng ở các cơ sở đạo tạo đó, các bằng tiến sĩ sẽ tiếp cận được chuẩn mực quốc tế? Và liệu chúng ta có thể chắc rằng xã hội sẽ phân biệt được bằng tiến sĩ của trường nào có giá trị hơn trường nào và chính thị trường sẽ đào thải các bằng tiến sĩ kém chất lượng?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét thực tế bằng tiến sĩ ở Việt Nam được sử dụng như thế nào? Tôi rất chia sẻ với ý kiến của GS Ngô Việt Trung rằng: Các cơ quan nhà nước hay các cơ sở đào tạo (công hay tư) là những nơi chủ yếu sử dụng bằng tiến sĩ như một yếu tố để nâng cao vị trí công tác; trong đó có nhiều nơi chỉ quan tâm đến tấm bằng chứ không sử dụng trình độ nghiên cứu của tiến sĩ. Vì vậy, có thể nhiều người sẽ tìm đến những nơi đào tạo tiến sĩ dễ dãi để có tấm bằng; và xã hội chưa đủ phát triển để phân biệt và đào thải những bằng tiến sĩ kém chất lượng.
Tóm lại, theo tôi, Quy chế này cần đặt trong hiện trạng của nền giáo dục và nhu cầu sử dụng tiến sĩ của xã hội ta hiện nay. Chúng ta không thể áp mô hình của một nước tiên tiến hay một mô hình mà ta dự định xây dựng trong tương lai xa vào cho hiện tại.
Chúng ta ghi nhận là Quy chế mới đã có một số thay đổi tích cực như: Các cơ sở đào tạo có thể công nhận kết quả học tập lẫn nhau, yêu cầu nghiên cứu sinh sinh hoạt khoa học thường xuyên ở cơ sở đào tạo, có thể tiến tới việc tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo cấp kinh phí cho nghiên cứu sinh. Nhưng điều đó không mâu thuẫn với việc giữ một chuẩn đầu ra tiếp cận với trình độ quốc tế.
Tôi rất mong rằng tới đây Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh Quy chế này để có thể phát huy những mặt tích cực của Quy chế, nhưng không 'hạ chuẩn' đầu ra, nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ.
PGS. Phan Thị Hà Dương
Phó Giám đốc Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu Toán học (Unesco) - Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Công bố điểm thi tốt nghiệp THPT từ 0h ngày 26/7
Từ 0h ngày 26/7, tất cả địa phương sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021. VietNamNet sẽ cập nhật điểm thi tốt nghiệp THPT nhanh nhất để phụ huynh và học sinh tra cứu.
" alt=""/>PGS Phan Thị Hà Dương: Không nên hạ chuẩn tiến sĩ với hiện trạng ở Việt Nam