Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên. Theo đại biểu, gần như kỳ họp nào Quốc hội cũng thảo luận về các chế độ, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên - một đội ngũ hùng hậu hơn 1,2 triệu giáo viên trên tổng số hơn 1,7 triệu biên chế viên chức của cả nước.
Trong hơn hai năm qua đã có với hơn 14.000 giáo viên, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, rời khỏi khu vực công. Ông Nguyễn Trường Giang cho rằng cần phải đánh giá thực chất thì mới có giải pháp phù hợp cho vấn đề này. Theo tính toán sơ bộ của đại biểu, cứ 200 giáo viên thì có 1 người rời khỏi khu vực công.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng việc mà giáo viên rời khỏi khu vực công và chuyển sang khu vực tư đó là chuyện rất bình thường. Bởi theo đại biểu, điều quan trọng nhất ở đây cần phải đánh giá xem khi rời khỏi khu vực công họ có tiếp tục làm giáo viên nữa hay không.
“Nếu như họ chuyển sang làm khu vực tư thì hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, bởi đều là phục vụ cho nhân dân, phục vụ cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước. Tôi cho rằng ở đây chúng ta cần phải đánh giá một cách sát nhất, thực chất nhất để có một giải pháp phù hợp”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nói.
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Trường Giang, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) dẫn số liệu về tình trạng giáo viên nghỉ việc tính từ năm 2021 đến tháng 8/2022 do Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) cung cấp. Theo đó, có hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, bao gồm hơn 10.000 giáo viên công lập và hơn 5.800 giáo viên các trường dân lập. Phân theo cấp học, mầm non có hơn 6.000 giáo viên nghỉ việc, trong đó công lập là hơn 2.000 và dân lập hơn 3.000 giáo viên.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc là hoàn toàn chuyển ra khỏi ngành giáo viên.
"Qua giám sát cho thấy số giáo viên trường công chuyển sang tư rất ít. Đây là hiện tượng không bình thường và không chỉ là vấn đề một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, bởi số lượng giáo viên nghỉ quá lớn trong bối cảnh đang triển khai đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông, cần rất nhiều giáo viên.
Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ nhiều không phải đều trên cả nước mà chủ yếu tập trung ở các tỉnh, địa bàn đông khu đô thị, khu công nghiệp”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng nguyên nhân dẫn đến giáo viên nghỉ việc có vấn đề về lương thấp, áp lực và một bộ phận không đủ điều kiện đáp ứng Chương trình mới.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị thời gian tới cần có phân tích kỹ, và ngành giáo dục phải tham mưu cho Chính phủ có ngay biện pháp để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.
Cả nước thiếu hơn 106.000 giáo viên Tại hội thảo “Bố trí giáo viên và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” vừa được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước, TS Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) - cho biết hiện nay, cả nước còn thiếu hơn 106.000 giáo viên các cấp học. Trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều nhất với 44.000 giáo viên, kế đến là bậc tiểu học thiếu gần 33.000 giáo viên, bậc THCS thiếu trên 18.000 và bậc THPT thiếu gần 12.000 giáo viên. Nguyên nhân được Bộ GD-ĐT xác định là từ năm 2015 trở về trước, nhiều địa phương có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp do chỉ tiêu biên chế được giao chưa đủ định mức, bậc tiểu học triển khai chương trình dạy học 1 buổi/ngày nên giao biên chế 1,2 giáo viên/lớp. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện chủ trương dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, định mức nâng lên 1,5 giáo viên/lớp nhưng biên chế giáo dục không tăng thêm. Trong khi đó, số lượng học sinh tăng đều hàng năm, đặc biệt ở các thành phố lớn tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Bên cạnh đó, chính sách tuyển dụng và thu nhập chưa tương xứng nên khó thu hút nguồn tuyển ở những môn đặc thù như Tiếng Anh, Tin học... |