Theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018, giảng viên dạy bậc đại học chỉ phải đảm bảo yêu cầu trình độ từ thạc sĩ trở lên, phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy. Nếu chiếu theo Luật Giáo dục Đại học, thì việc mà Trường ĐH Hà Tĩnh đang triển khai (xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ đối với giảng viên không có cam kết đi đào tạo tiến sĩ) là không phù hợp.
Theo quy định chung, có bằng thạc sĩ là đã đảm bảo tiêu chuẩn giảng dạy bậc đại học. Có thể trường muốn phát triển hơn, theo quy chế nội bộ thì có thể ra quy định đó, song cũng cần phải theo khung chung của nhà nước. Khi chỉ ban hành quy định, giao nhiệm vụ nhưng không tạo điều kiện cho thuộc cấp hoàn thành nhiệm vụ là không phù hợp với nguyên tắc giao việc của người lãnh đạo; hoặc một quy định nội bộ rất cần sự đồng thuận cho giảng viên để đảm bảo tính khả thi của quy định.
Khi đặt ra yêu cầu, nhà trường cần xét tới bối cảnh và các yếu tố khác để tránh áp đặt một cách cứng nhắc. Câu chuyện này cho thấy, kể cả mục đích là hướng đến chuẩn cao hơn thì vẫn có sự cứng nhắc.
Trường ĐH Hà Tĩnh nói riêng cũng như các trường đại học địa phương khác nói chung vốn rất khó khăn về tuyển sinh và tuyển được giảng viên giỏi.
Người giỏi thì chưa chắc đã muốn trở thành giảng viên ở một trường đại học địa phương, thu nhập không cao thì lấy đâu ra nhiều nhân tài làm giảng viên có trình độ tiến sĩ. Điều này là một thách thức lớn của trường. Chưa kể, Trường ĐH Hà Tĩnh vốn phát triển lên từ một trường cao đẳng sư phạm sáp nhập với một trường trung cấp kinh tế kỹ thuật. Do đó, cần nhìn nhận năng lực nghiên cứu của đội ngũ đang thực tế ở mức độ nào.
Khi chính sách còn tồn tại những bất cập, nếu Trường ĐH Hà Tĩnh thực hiện một cách ‘cứng rắn’ quá, có thể mất đi giảng viên có kinh nghiệm... Bởi giảng viên nói chung là đối tượng có tự trọng, lại ở vùng đất khoa bảng, họ sẽ khó chấp nhận làm một cách hình thức, thiếu thực chất như thường thấy với không ít luận án tiến sĩ khác. Bản thân giảng viên không phải ai cũng có khả năng làm tiến sĩ là một thực tế. Đó là còn chưa tính đến yếu tố chi phí bỏ ra trong quá trình làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Kinh tế khó khăn, lương bổng không được bao nhiêu so với chi phí phải bỏ ra, cũng khó có thể bắt buộc họ tham gia làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nếu ra một quy định để đảm bảo tính khả thi, trường và địa phương cần xem có giải pháp gì để hỗ trợ giảng viên về kinh phí, cơ chế.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư quy định về chuẩn chương trình đào tạo với 3 loại chương trình là chương trình định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, và định hướng nghề nghiệp. Trường ĐH Hà Tĩnh vốn xuất thân từ trường chuyên nghiệp (cao đẳng sư phạm và trung cấp) nên chương trình theo hướng úng dụng và theo định hướng nghề nghiệp là phù hợp. Như vậy, trình độ giảng viên là thạc sĩ cũng đã ổn, nếu thạo việc giảng dạy ở bậc đại học. Nói cách khác, yêu cầu giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các chương trình định hướng nghiên cứu nên bắt buộc, còn ở hai loại chương trình còn lại thì có thể linh hoạt chấp nhận.
Cơ sở đào tạo nên đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ theo thực lực và kết quả công việc của giảng viên hơn là chỉ chú trọng đến bằng cấp. Do đó, nên xem xét giải quyết sự việc theo hướng điều chỉnh quy định. Thay vì xếp loại giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ vì lý do này, nên có những hình thức khuyến khích, hỗ trợ tài chính hoặc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giảng viên đi học tiến sĩ. Nên có đãi ngộ tốt và môi trường làm việc như cải thiện chế độ phúc lợi, môi trường làm việc và các chính sách hỗ trợ giảng viên để giữ chân những giảng viên có năng lực. Điều này bao gồm việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các giảng viên có mong muốn học tiến sĩ, cũng như cải thiện điều kiện làm việc và các chế độ đãi ngộ khác.
Cùng với đó, cần có cơ chế đánh giá toàn diện. Chẳng hạn xây dựng hệ thống đánh giá giảng viên dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học (lưu ý không phải cứ giảng viên có trình độ tiến sĩ mới có thể nghiên cứu), đóng góp cho nhà trường và sinh viên, thay vì chỉ dựa vào bằng cấp. Tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các chương trình đào tạo liên tục và phát triển nghề nghiệp mà không nhất thiết phải đạt đến trình độ tiến sĩ. Điều này có thể bao gồm các khóa học ngắn hạn, hội thảo, và các hoạt động nghiên cứu phối hợp.
Nhà trường cần có phải có những biện pháp mềm dẻo, tăng cường bồi dưỡng nguồn nhân lực đồng thời với việc chia sẻ và hợp tác với một số trường đại học khác. Có thể áp lực đến từ việc không đủ tiến sĩ thì khó mở ngành học, nhưng trường cũng có thể kiến nghị Bộ GD-ĐT tạo điều kiện, cơ chế hạ thấp tiêu chuẩn giảng viên có trình độ TS khi mở ngành cho loại chương trình định hướng nghề nghiệp hay định hướng ứng dụng, thay vì gây sức ép lên giảng viên. Khi nhà trường phát triển lên giai đoạn khác ổn định hơn, nguồn lực vật chất đầy đủ, có nhiều chương trình định hướng nghiên cứu thì việc giảng viên có trình độ tiến sĩ khi đó sẽ trở thành mục đích tự thân của giảng viên.
Thanh Hùng(Ghi)
Điểm chuẩn học bạ nhiều ngành ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cũng cao ngất ngưởng. Cụ thể như ngành Truyền thông đa phương tiện là 29; Báo chí 28,7; Báo chí (chuẩn quốc tế) 28,4; Văn học 28,2; Nghệ thuật học 28; Quan hệ quốc tế 28,5; Tâm lý học 28,6; Ngôn ngữ Anh 27,9; Nghệ thuật học 28.
Tượng tự, ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ngành Sư phạm Tiếng Anh lên tới 29; Thương mại điện tử 28,25; Công nghệ máy tính 28,75; Công nghệ thông tin 29; Hệ thống nhúng IoT 28,25; Robot và trí tuệ nhân tạo 28,75; Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử 28; Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông 28…
Lấy điểm học bạ cao hơn xét từ tốt nghiệp 2-4 điểm
TS Huỳnh Trung Phong- Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và phát triển khởi nghiệp, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng điểm chuẩn học bạ cao là vấn đề của nhiều năm nay. Lý do là chỉ tiêu của phương thức này có giới hạn, mà số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng lại rất lớn.
Cụ thể, năm nay trường có hơn 14.000 thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phương thức này, trong khi đó nếu cộng cả cơ sở chính và phân hiệu Long An thì chỉ 400 chỉ tiêu, điểm số cao có thể giải thích được.
Ông Phong cho hay, dù điểm chuẩn học bạ cao nhưng không quá lo ngại chất lượng vì chưa thể nói điểm học bạ có thực tế hay không. Mặt khác, điểm học bạ phải xem xét kỹ lưỡng trên rất nhiều yếu tố, nhưng điều chắc chắn là số lượng thí sinh xét tuyển vào sư phạm bằng học bạ thì điều kiện cần phải là học sinh giỏi lớp 12. Vậy nên, điểm số và học lực của các thí sinh đương nhiên đã đạt ở một mức cao nhất định.
"Quá trình đào tạo ở trường luôn tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ. Quá trình này cũng được giám sát, kiểm định và công nhận chất lượng đầy đủ, rõ ràng nên sẽ đảm bảo được chất lượng đầu ra của sinh viên sau này", ông Phong nhấn mạnh.
Giám đốc tuyển sinh một trường đại học khác cho rằng, khi nhà trường đi tư vấn tuyển sinh đều đề nghị thầy cô ở bậc THPT phải sát sao về cách thức đánh giá. Tuy nhiên, nhà trường nhận ra rằng trước đây điểm chuẩn học bạ thấp là do cách đánh giá, còn bây giờ dạy học tiệm cận với tín chỉ nên đánh giá phải có cách khác để phù hợp.
Điều nhà trường lo lắng là điểm số này ở các trường THPT tư thục bị đánh giá khá ảo. Mặt khác, các trường sẽ đánh giá lớp 10, 11 thấp hơn nhiều so với lớp 12, vì điểm tổng kết lớp 12 liên quan đến điểm thi tốt nghiệp. Vị này cũng cho hay, điểm học bạ cao nên nhà trường luôn xác định điểm chuẩn của phương thức này phải cao hơn xét tuyển từ thi tốt nghiệp 2-4 điểm.
Sinh viên trúng tuyển bằng học bạ có kết quả học ra sao? Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phân tích điểm trung bình tích lũy của sinh viên trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển khác nhau. Kết quả được thực hiện dựa trên dữ liệu của hơn 10.000 sinh viên trúng tuyển trong 3 năm 2021, 2022 và 2023. Trong 2 năm 2021-2022, trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển gồm: tuyển thẳng, xét kết quả học tập THPT và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đến năm 2023, trường bổ sung phương thức xét tuyển mới kết hợp kết quả học tập THPT với điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tự tổ chức. Cụ thể, năm 2020 điểm trung bình tích lũy của sinh viên phương thức tuyển thẳng ở mức 3,31/4; kết quả học tập THPT 3,19/4 và điểm thi tốt nghiệp THPT 2,94/4. Sinh viên khóa trúng tuyển 2021, điểm trung bình tích lũy các phương thức trên lần lượt gồm: 3,34/4; 3,22/4; 3,06/4. Khóa trúng tuyển 2023, điểm trung bình phương thức tuyển thẳng 3,22/4; xét kết quả học bạ THPT 2,96/4; xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2,85/4; kết hợp điểm học tập THPT và điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đạt 3,22/4. "Kết quả học tập của sinh viên được xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả học tập THPT đều cao hơn so với phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT; nhưng thấp hơn so với nhóm tuyển thẳng (tuyển thẳng bao gồm cả tuyển thẳng theo tiêu chí Bộ GD-ĐT và ưu tiên xét tuyển của trường)- ông Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, cho biết. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thống kê kết quả học tập của sinh viên các khoá 2021, 2022 và cho biết, kết quả học tập của sinh viên xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT là tương đồng. Trường ĐH Công Thương TP.HCM công bố tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp đại học khóa 2019-2023. Trong đó, kết quả xét tuyển bằng học bạ THPT như sau: Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc là 0,24%; giỏi là 5,44%; khá là 65,12% và trung bình là 29,2%. Nhà trường đánh giá kết quả học tập qua các phương thức tuyển sinh của thí sinh xét bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ tốt nghiệp tương đương thí sinh xét bằng phương thức học bạ. |