![]() | ![]() |
Ra trường, anh không về quê vì muốn ở thành phố dành thời gian nghiên cứu. Chỉ có bằng trung cấp và thiếu kỹ năng xã hội, nên anh phải làm công nhân. Những năm đầu đi làm, vì đam mê nghiên cứu anh không tập trung vào công việc nên thường bị sa thải.
Nhiều người xung quanh còn chế giễu anh nặng lời. Bất chấp ngờ vực của mọi người, anh vẫn chìm vào thế giới Toán học. Anh tin chỉ cần nỗ lực nhất định sẽ làm được. Đến năm 2008, thuật toán mới xác định số giả nguyên tố do Kiến Xuân nghiên cứu có kết quả.
Lúc này, để thẩm định nghiên cứu, anh viết thư cho nhiều đại học trong và ngoài nước. Ròng rã 8 năm, kỳ vọng lớn nhưng anh không nhận được phản hồi. Bỏ công việc, anh đến nhiều thành phố ở Trung Quốc để tìm các giáo sư nhưng không gặp được. Họ cho rằng, anh chưa có kinh nghiệm nghiên cứu, kết quả không đi về đâu.
Tài chính kiệt quệ anh thực hiện nỗ lực cuối cùng, bằng cách gửi thư trực tiếp cho nhà Toán học Thái Thiên Tân. Ngày 14/6/2016, GS Tân mời anh đến Đại học Chiết Giang trình bày nghiên cứu với sự tham dự của nhiều nhà Toán học.
Theo Sohu, sau hơn 2 tiếng trình bày, những người tham dự đều sửng sốt thừa nhận, phương pháp của anh hiệu quả hơn truyền thống. "Kiến Xuân chưa được đào tạo bài bản về Lý thuyết số học và cũng không học Toán cao cấp. Do đó, kết quả này xuất phát từ năng khiếu và sự nhạy cảm với con số", GS Tân nhận xét.
Anh được cả nhà Toán học William Banks cùng nghiên cứu vấn đề đánh giá cao. Chia sẻ với CNN, GS nói: "Việc xây dựng giải pháp tìm số giả nguyên tố được nhiều học giả làm cách đây hơn 20 năm. Tính cả kết quả bổ sung của tôi và tác giả khác, nghiên cứu mới chỉ xác định được 1 biến thể cùng chủ đề. Trong khi, phương pháp của Kiến Xuân có thể áp dụng được vào 4 vấn đề Toán học phức tạp khác nhau".
Thành quả trên giúp Kiến Xuân được cộng đồng Toán học săn đón. Nhiều giáo sư trong và ngoài nước gửi lời mời hợp tác nhưng anh từ chối, vì sợ không đủ năng lực: "Có thể tôi nhạy cảm với con số và dành nhiều thời gian nghiên cứu hơn người khác, nhưng tôi thiếu kiến thức bài bản về Đại số và Hình học".
Thậm chí, khi đó các trường sẵn sàng tài trợ kinh phí học tập nhưng anh không nhận: "Ở tuổi 33, tôi không thể học thêm nhiều năm. Tôi muốn lập gia đình rồi mới tính đến việc nghiên cứu". Lúc này, anh gia nhập một công ty với mức lương cao. Tuy nhiên, về sau, áp lực công việc, anh bỏ để làm công nhân nhà máy cho đến nay, lương 8.000 NDT/tháng (khoảng 28,4 triệu đồng).
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, ở tuổi ngoài 40, khi được hỏi lý do từ chối cơ hội phát triển trước kia, anh giãi bày: "Có lẽ ảnh hưởng từ gia đình, người xuất thân từ nghèo khó như tôi chỉ muốn tìm việc nhanh kiếm ra tiền. Đôi khi tôi cũng tự hỏi cuộc sống có khác không nếu chọn học tiếp hoặc theo đuổi nghiên cứu. Tuy nhiên, khi nhìn lại công việc hiện tại, tôi không mong gì ngoài cuộc sống bình yên".