Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, công bố định hướng sáp nhập, tinh gọn bộ máy của thành phố. Ảnh H.V.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM cho biết, kế hoạch sắp xếp dự kiến các cơ quan Đảng, chính quyền tại địa phương đã được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cụ thể, về khối Đảng, sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM. Đồng thời, nghiên cứu kết thúc hoạt động 11 đảng đoàn, 3 ban cán sự Đảng và Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng.
Thành lập mới hai đảng bộ trực thuộc Thành ủy TP.HCM gồm Đảng bộ cơ quan đảng, đoàn thể, tư pháp và Đảng bộ khối chính quyền.
Chuyển các tổ chức đảng trong các cơ quan Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, các tổ chức đảng trong các hội quần chúng về cơ quan đảng, đoàn thể, tư pháp.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ sắp xếp tổ chức đảng các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP.HCM và 24 đảng bộ cấp trên cơ sở về trực thuộc đảng bộ khối chính quyền.
Riêng 3 Đảng bộ quân sự, công an, bộ đội biên phòng giữ nguyên.
Các đảng bộ chuyển về Đảng bộ khối chính quyền gồm: Đảng bộ ở các tổng công ty nhà nước, Lực lượng thanh niên xung phong, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại, Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp, hải quan, viễn thông, bưu điện, Đại học Quốc gia TP.HCM, khối đại học – cao đẳng, khối các cơ quan Trung ương tại TP, khối doanh nghiệp, khối cơ sở bộ y tế, Bộ TN-MT, Bộ NN&PTNT, Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH và Sở GTVT.
Nghiên cứu chuyển giao một số tổ chức cơ sở đảng loại hình doanh nghiệp, sự nghiệp về các Quận ủy, Huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức.
Theo bà Tuyết, sau khi sắp xếp theo định hướng trên, Đảng bộ TP.HCM còn 27 đảng bộ trực thuộc, giảm 24 đảng bộ.
![]() |
Nếu sáp nhập, tinh gọn bộ máy, TP.HCM sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính. Ảnh: Nguyễn Huế. |
Về khối chính quyền, nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP trên nguyên tắc Trung ương có Bộ nào thì thành phố có sở tương ứng.
Theo đó, nghiên cứu sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động hai sở, sắp xếp các cơ quan ban đổi mới quản lý doanh nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ cao, khu chế xuất – khu công nghiệp TP, văn phòng thường trực ban an toàn giao thông.
Nghiên cứu sáp nhập Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc.
Sáp nhập Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, chuyển Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc.
Sáp nhập Sở TN&MT, Sở NN&PTNT để thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường; chuyển một số nhiệm vụ của hai sở này về các sở khác có liên quan. Đồng thời, chuyển Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc.
Nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở VH-TT; sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động Sở LĐ-TB&XH, chuyển các chức năng qua Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở VH&TT.
Nghiên cứu kết thúc nhiệm vụ Sở An toàn thực phẩm, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương.
Sáp nhập Ban Tôn giáo vào Ban Dân tộc; sáp nhập Ban Quản lý khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo Ban Tổ chức Thành ủy, nếu thực hiện theo phương án này, TP.HCM giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP.HCM.
Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP, gồm các ban quản lý, các đơn vị sự nghiệp báo chí, giáo dục, y tế...
Riêng TP Thủ Đức, nghiên cứu đề xuất phù hợp với đặc điểm tình hình.
Theo Thành ủy TP.HCM, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ tiến hành song song với đại hội Đảng bộ và các công tác thường xuyên khác.
Phát biểu kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 34, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh tinh thần tại Hội nghị toàn quốc ngày 1/12/2024 về quán triệt triển khai Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, thành phố triển khai với tinh thần hành động cao nhất, nỗ lực nhất để làm có hiệu quả, tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp ngang tầm với nhiệm vụ.
Cùng với đó, quyết liệt thực hiện chính sách thu hút nhân tài ở các lĩnh vực, có cơ chế và những đột phá để phát hiện, thu hút, trọng dụng người có tài năng nổi trội, không nhất thiết phải trong Đảng.
Trước một số ý kiến băn khoăn liệu chúng ta tổng kết Nghị quyết 18 có nhanh hay làm mạnh quá không, Bí thư Thành ủy TP.HCM nêu rõ: Trong buổi tổng kết Nghị quyết mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã đặt ra một số câu hỏi và nhấn mạnh thời điểm hiện nay đã đủ điều kiện để chúng ta thực hiện chuyển đổi, chuẩn bị tâm thế, điều kiện để bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, thông thường một nghị quyết lớn thì cần 5 năm để sơ kết, 10 năm là tổng kết.
“Sớm thì có nhưng nhanh thì không”, ông Nguyễn Văn Nên nói và cho biết hầu hết nội dung dự kiến để nghiên cứu, trực tiếp đưa ra cho kế hoạch lần này đều nằm trong quan điểm, mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết 18.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, Nghị quyết 18 đặt ra từ năm 2017 nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và nhất là yêu cầu phát triển của kỷ nguyên mới.
“Như vậy, những điều đưa ra hôm nay nếu chờ tới năm 2027 mới tổng kết thì không kịp, mà nếu để lỡ mất cơ hội thì sẽ có lỗi với nhân dân như Tổng Bí thư đã nói”, ông Nguyễn Văn Nên nêu rõ.
Nếu chờ Đại hội XIV của Đảng xong mới tổng kết thì lỡ thời cơ để đất nước chuyển mình sang giai đoạn mới, với tâm thế mới và điều kiện mới.
![]() |
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng. |
Trên tinh thần đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng phải nghĩ làm sao để tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố tinh, gọn hơn, mạnh hơn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị đội ngũ cán bộ tìm mọi cách để thể hiện, thực hiện chủ trương lớn và quan trọng này, chỉ bàn làm chứ không bàn lùi, làm sao cho bộ máy, hệ thống chính trị thành phố tốt hơn, tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn.
“Nếu chúng ta đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên, đặt lợi ích TP.HCM và người dân lên trên, đặt lợi ích chung lên trên thì mọi nỗi lo của chúng ta liên quan tới bản thân mình đều nhẹ nhàng và có thể vượt qua”, ông Nên bày tỏ.
Cũng theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, về việc này, Tổng Bí thư và Trung ương có nhìn nhận trong cuộc cách mạng nào cũng có những sự hy sinh, theo nghĩa là chúng ta phải chịu phần thiệt thòi cá nhân… Trong bối cảnh đó, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo là sẽ lo phần chính sách sử dụng cán bộ trong đợt sắp xếp này và chính sách để giải quyết những cán bộ không còn sử dụng.
“Ban huấn luyện sẽ chọn cầu thủ để đưa vào đội hình 1, đội hình 2, đội hình 3. Hai, ba đội hình nhập lại thì sẽ có thứ bậc và như thế sẽ có người hạ từ vị trí này xuống vị trí kia, từ đội hình một xuống đội hình hai. Chuyện đó cũng là tất nhiên. Đó là chuyện của ban huấn luyện, của từng cấp, còn cầu thủ thì cứ lo làm đúng và làm tốt vị trí của mình đang làm; nếu có khát khao, khát vọng vào đội hình một thì phải nỗ lực để sáng lên, để mình được chọn và tiếp tục cống hiến”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.
TP.HCM tinh gọn bộ máy, giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chínhTheo Ban Tổ chức Thành ủy, khi thực hiện phương án sáp nhập, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Trung ương, TP.HCM giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính. " alt=""/>Bí thư TP.HCM: 'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' khi tinh gọn bộ máy
|