
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ dự định sẽ xây dựng một đề án về Chiến lược An toàn thông tin mạng Việt Nam để trình Chính phủ, bởi An toàn, an ninh thông tin là "vấn đề lớn, mang tầm quốc gia chứ không phải của riêng Bộ, ngành nào".Thông tin này được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ tại cuộc Hội thảo về Bảo mật và An toàn thông tin diễn ra sáng nay, 15/8, tại Bộ TT&TT. Sự kiện này có sự tham dự của các chuyên gia bảo mật đến từ Israel, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng - người trực tiếp phụ trách lĩnh vực An toàn thông tin (ATTT), đại diện các đơn vị chuyên trách ATTT của Bộ như Cục An toàn thông tin, VNCERT, cùng các nhà mạng lớn như VNPT, MobiFone....
 |
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, ATTT là vấn đề rất lớn, mang tầm cỡ quốc gia chứ không phải của riêng bộ, ngành nào. Ảnh: T.C |
Người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh, An toàn thông tin là một vấn đề mà Việt Nam đang đặc biệt quan tâm. Do đó, Việt Nam có thể xem xét khả năng hợp tác về tập huấn kỹ năng ứng cứu sự cố, đào tạo nhân lực An toàn thông tin (Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông trực thuộc Bộ đang có riêng một chuyên ngành đào tạo về ATTT) với các doanh nghiệp, tổ chức bảo mật uy tín của thế giới, trong đó có Israel. Ngoài ra, Việt Nam cũng mong muốn các hãng hợp tác, chia sẻ thông tin về ATTT, cũng như cảnh báo các nguy cơ, rủi ro của Việt Nam trong lĩnh vực này.
"Việt Nam hiện có nhiều cơ quan, bộ ngành liên quan đến lĩnh vực ATTT, như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học công nghệ.... Trong đó, Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ bảo vệ, cảnh báo, điều phối, ứng cứu sự cố liên quan đến không gian mạng và ATTT. Chúng tôi dự định sẽ xây dựng đề án về Chiến lược ATTT mạng Việt Nam để trình Chính phủ nên tới đây có thể sẽ tiếp tục phải làm việc, tham vấn với các doanh nghiệp bảo mật lớn. Đây là vấn đề rất lớn, mang tầm quốc gia chứ không của riêng bộ, ngành nào. Để thực hiện được cần có sự phối hợp của tất cả các Bộ, ngành liên quan", Bộ trưởng nói.
Là người rất trăn trở với vấn đề an toàn thông tin mạng tại thời điểm hiện nay, chính Bộ trưởng là người đã "đặt hàng" các chuyên gia bảo mật quốc tế tư vấn, khuyến nghị giải pháp và sách lược về ATTT cho Việt Nam. Hội thảo sáng nay có thể là sự mở đầu cho chuỗi sự kiện tham vấn này.
Chia sẻ quan điểm với Bộ trưởng, đại diện công ty bảo mật Verint của Israel khẳng định, hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay đều đã xác định không gian mạng là một "mặt trận thứ tư" (cùng với biển, đất liền, không trung), đòi hỏi sự phòng vệ ở tầm cỡ quốc gia.
"Tất cả mục tiêu của những kẻ tấn công đều giống nhau: đó là phá hoại và hủy diệt. Chỉ có điều, công cụ, vũ khí mà tin tặc sử dụng là công cụ, vũ khí số. Từ những vụ trộm cắp thông tin, chúng leo thang rất nhanh thành tống tiền, thậm chí là tấn công khủng bố", Verint phân tích.
Doanh nghiệp này cũng dẫn lại vụ tấn công nhằm vào Vietnam Airlines gần đây và cho biết hệ thống của mình đã thu thập được rất nhiều dữ liệu liên quan và sẵn sàng chia sẻ với nhà chức trách Việt Nam. "Những câu hỏi rất lớn mà Việt Nam cần phải trả lời là vì sao tin tặc lại chọn tấn công VietnamAirlines? Trình độ của chúng đến đâu? Chúng đã sử dụng cách thức tấn công như thế nào...? Chúng tôi nghĩ đó là những vấn đề mà các ngài cần phải lưu tâm để hạn chế những vụ việc tương tự tái diễn".
Verint đặc biệt nêu bật tầm quan trọng của một hệ thống cảnh báo trước các nguy cơ, bởi theo họ, bất cứ cuộc tấn công nào cũng phải có những dấu hiệu báo trước, song vì lý do nào đó mà các doanh nghiệp, tổ chức đã sơ suất bỏ qua. Hệ thống này đặc biệt sống còn với những lĩnh vực trọng yếu của quốc gia như hệ thống giao thông, ngân hàng, mạng lưới điện, rồi hạ tầng viễn thông vì đây đều là những dịch vụ mà người dân sử dụng hàng ngày. Tương tự, hacker gần đây cũng tỏ ra đặc biệt "ưa thích" những mục tiêu như website các cơ quan thuộc Chính phủ hay cơ sở dữ liệu số thẻ bảo hiểm xã hội của công dân.
"Điều mà các nước cần là một chiến lược quốc gia về an toàn thông tin. Trong đó, Chính phủ xác định rõ đâu là những mục tiêu, hệ thống phải ưu tiên bảo vệ, cũng như những giải pháp chủ chốt để ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu đó", Verint khuyến nghị.
Giải pháp mà Verint đưa ra là thiết lập một Trung tâm Phòng thủ Quốc gia (NDC), triển khai ở cấp độ mạng backbone (xương sống) quốc gia. Trung tâm này có thể thu thập dữ liệu với quy mô khổng lồ, phân tích và truy xuất thông tin theo thời gian thực. Nó có thể phân loại, nhận diện lưu lượng dữ liệu và phát hiện ra những lưu lượng gia tăng đột biến, tiềm ẩn hiểm họa. Trên cơ sở đó, các chính phủ có thể xây dựng một hệ thống cảnh báo và bảo vệ trước các nguy cơ quy mô quốc gia.
Tại Hội thảo, đại diện Cục ATTT, VNCERT, VNPT và MobiFone cũng đã trao đổi, thảo luận với các chuyên gia Israel về tính chất khả thi, giải pháp công nghệ của của mô hình Trung tâm Phòng thủ Quốc gia, đặc biệt là về khả năng phân loại, lọc ra những cảnh báo nguy cơ cao. "Nếu như trong vụ tấn công VietnamAirlines, hệ thống chỉ nhận được một cảnh báo duy nhất thì có lẽ kịch bản ứng phó sẽ khác. Nhưng mỗi ngày, các doanh nghiệp, tổ chức nhận được cả trăm cảnh báo tương tự thì gần như không thể xác định được đâu là nguy cơ cần phải ưu tiên cả. Đó chính là lý do vì sao cần có một Hệ thống phân tích cảnh báo nguy cơ, còn ở quy mô quốc gia là Trung tâm NDC", Verint lý giải.
" alt=""/>Cần một chiến lược quốc gia về An toàn thông tin
Delta Air Lines đã phải hủy gần 450 chuyến bay và hoãn nhiều chuyến hơn thế trong ngày hôm qua, do một sự cố mất điện nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống máy tính của hãng.Cho đến thời điểm này, chỉ có 1679 trên tổng số 6000 chuyến bay dự định cất cánh trong ngày 8/8 của hãng cất cánh được. Đến đêm qua (giờ Việt Nam), hãng đăng tải trên Twitter rằng mặc dù hệ thống đã "online trở lại", song chắc chắn sẽ có thêm nhiều chuyến bay bị hoãn và hủy tới đây.
 |
Hàng trăm chuyến bay bị hủy và hàng ngàn chuyến bay bị hoãn do sự cố của Delta Air Lines |
"Tôi xin lỗi vì những rắc rối đã gây ra cho các bạn", Tổng giám đốc Ed Bastian của Delta nói trong đoạn video clip chính thức được hãng phát đi mới đây. "Chúng tôi đang làm việc cật lực để khôi phục hệ thống nhanh nhất có thể".
Delta bắt đầu cảnh báo hành khách về việc hủy - hoãn các chuyến bay "trên diện rộng" vào đầu giờ sáng thứ Hai. Nói sơ bộ vì nguyên nhân, hãng cho biết một sự cố sập hệ thống máy tính tại trụ sở chính ở Atlanta đã khiến cho các chuyến bay sắp cất cánh bị ảnh hưởng. Rất may là những chuyến bay đã khởi hành vẫn bay được bình thường.
"Sự cố mất điện xảy ra lúc gần 2.30 sáng thứ Hai, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống máy tính của Deltra và hoạt động của hãng trên toàn cầu... Chúng tôi đã biết được việc hệ thống hiển thị trạng thái chuyến bay, bao gồm cả các màn hình hiển thị thông tin ở sân bay... đã trình chiếu thông tin thiếu chính xác về các chuyến bay trong thời gian qua", thông cáo báo chí của Delta nói thêm.
Hiện hãng hàng không này vẫn đang cập nhật thông tin đều đặn cho các hành khách của mình thông qua Twitter, bao gồm cả việc hãng đang điều tra nguyên nhân gây ra mất điện tại trụ sở chính.
Mặc dù vậy, mọi chuyện cũng đã có tiến triển chút ít. Tính đến cuối ngày Thứ hai, "một số hạn chế chuyến bay đã được nối lại". Tuy vậy, nhiều hành khách cho biết họ đã phải đợi hơn 6 tiếng nhưng vẫn chưa được gọi boarding. "Các hành khách đang chuẩn bị đến sân bay nên chuẩn bị tinh thần trước cho việc chuyến bay sẽ bị hoãn hoặc hủy", Delta khuyến cáo.
 |
Hành khách của Delta Air Lines vạ vật ở phòng chờ sân bay |
Tại sân bay LaGuardia ở New York, hành khách xếp hàng dài dằng dặc ở quầy dịch vụ khách hàng. Dù mệt mỏi, song một hành khách chia sẻ với CNN rằng các nhân viên của Delta đã "xử lý tình huống rất tốt". Chăn được phát cho một số hành khách có nhu cầu ngủ trên sàn sân bay. Với những hành khách mắc kẹt trên máy bay không thể cất cánh, phi công thông báo sẽ phát pizza ăn nhẹ.
Delta hiện là hãng hàng không thuộc Top 3 thế giới về số lượng hành khách chuyên chở mỗi năm. Sự cố lần này có thể khiến Delta tổn thất hàng chục triệu USD và phải mất vài ngày cho đến khi khắc phục được hoàn toàn, các chuyên gia nhận định. "Ít nhất phải đến thứ tư thì lịch bay mới gần trở lại được bình thường", một phi công đã nghỉ hưu dự đoán.
Trong khi đó, đại diện nhà máy điện Georgia Power, nơi cấp điện chính cho trụ sở Delta ở Atlanta, cho biết sự cố mất điện "xảy ra trong đêm, do thiết bị chuyển mạch gặp trục trặc" và chỉ ảnh hưởng đến duy nhất Delta.
Một quan chức tư pháp Mỹ giấu tên tiết lộ với CNN là cảnh sát không phát hiện được bằng chứng hay dấu hiệu nào cho thấy vụ mất điện là hành động tấn công hiểm độc của tin tặc.
Trọng Cầm
" alt=""/>Delta Air Lines trầy trật khắc phục sự cố sập hệ thống