Vừa học vừa làm thêm, Shunsaku gắn bó với công việc thiết kế website suốt 2 năm. Ở tuổi 20, anh tham gia Cuộc thi Thiết kế Website thương mại điện tử giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm quà tặng cho người thân. Giành chiến thắng cuộc thi, Shunsaku có cơ hội tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo.
Đam mê thiết kế quảng cáo, tốt nghiệp đại học năm 2013, Shunsaku gia nhập công ty MicroAd. Sau năm 2 làm việc tại đây, anh quyết định xin nghỉ để tiếp tục ước mơ khởi nghiệp. Ở tuổi 25, Shunsaku thành lập công ty truyền thông thời trang Alpaca.
Năm 2017, anh quyết định bán lại Alpaca cho công ty Vector (đổi lại tên thành Smart Media) với giá 950 triệu JYP (156 tỷ đồng). Sau khi bán công ty, Shunsaku không nắm quyền kiểm soát nhưng vẫn ở lại Smart Media làm việc. Trong 1 năm, anh thực hiện được 11 thương vụ mua lại khác.
Quá trình này giúp anh nhận ra những hạn chế khi giao dịch. Do đó, Shunsaku nghĩ đến việc áp dụng trí tuệ nhân tạo để việc mua bán các công ty ở Nhật Bản hiệu quả và đơn giản hơn. Đây cũng là thời điểm, Shunsaku chứng kiến ông nội phải đóng cửa công ty kinh doanh bất động sản vì không có người kế thừa.
"Trong văn phòng của ông có giấy phép kinh doanh đóng khung treo tường. Tôi buồn khi chứng kiến nó bị gỡ xuống và vứt bỏ", anh nhớ lại. Chính điều này đã thôi thúc anh hành động để bảo tồn các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu tài chính Teikoku Databank, 99% doanh nghiệp ở Nhật Bản là vừa và nhỏ, trong đó 2/3 không có người kế thừa. Chính phủ nước này cũng ước tính đến năm 2025, khoảng 2,5 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ có chủ sở hữu trên 70 tuổi phải đóng cửa vì một nửa không có người thừa kế. Hệ lụy dẫn đến sẽ mất 6,5 triệu việc làm và thiệt hại khoảng 220.000 tỷ JYP (240 tỷ USD).
Trước thực trạng trên, tháng 10/2018, Shunsaku thành lập công ty M&A Research Institute để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản tìm được người thừa kế. Anh sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu độc quyền để kết nối người mua và người bán.
Không chỉ nhanh chóng tìm được người mua phù hợp, công ty còn cải thiện được tốc độ giao dịch. Thay vì 1 năm, trung bình thời gian xử lý của M&A Research Institute chỉ mất từ 1,5-6 tháng. Sau mỗi giao dịch thành công, công ty của Shunsaku thu phí 5%.
Shunsaku cho biết với hệ thống định giá phù hợp và cách tiếp cận dựa trên trí tuệ nhân tạo đã giúp M&A Research Institute có lợi thế hơn so với đối thủ. Theo báo cáo tài chính của công ty, doanh thu năm 2022 tăng gần 200% so với cùng kỳ năm ngoái lên đến 3,9 tỷ JYP (khoảng 28,8 triệu USD).
Nhận thấy nhu cầu thị trường tăng cao, M&A Research Institute còn cung cấp thêm dịch vụ quản lý tài sản cho những người sau khi bán công ty đang tìm cơ hội đầu tư. Đến nay, đội ngũ nhân viên của công ty khoảng 160 người, trong đó có 115 nhà tư vấn.
Với thành công này, tháng 6/2022, M&A Research Institute được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Tính đến tháng 5/2023, giá trị thị trường của công ty tăng lên 1,2 tỷ USD (30.000 tỷ đồng). Sở hữu 73% cổ phiếu, ở tuổi 32, Shunsaku Sagami có khối tài sản lên đến 902 triệu USD (22.518 tỷ đồng).
M&A Research Institute tiếp tục tăng mạnh thời gian qua, tính đến đầu tháng 3/2024, khối tài sản cá nhân của Shunsaku đạt 1,7 tỷ USD (gần 42.500 tỷ đồng). Ở tuổi 33, anh trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất Nhật Bản. Trong danh sách tỷ phú của đất nước này, Shunsaku xếp thứ 11.
“Khi biết điểm, em đã nhảy cẫng và hét toáng lên. Mục tiêu ban đầu của em chỉ là 8.0 IELTS nhưng cuối cùng, em đã làm tốt hơn cả mong đợi và vượt qua được giới hạn bản thân”, Hà Phương chia sẻ.
Chị Dương Thị Hiền - mẹ của Hà Phương, cũng vỡ òa vì vui mừng. “Thi IELTS đòi hỏi khối lượng khá nhiều kiến thức về đọc hiểu, tư duy cùng lập luận chặt chẽ... Thấy con có năng lực và yêu thích thật sự với tiếng Anh, tôi quyết định cho con thử sức”, chị Hiền chia sẻ.
Theo chị Hiền, vợ chồng chị chỉ biết tiếng Anh ở mức cơ bản, không hề nổi trội và công việc cũng không dùng đến Ngoại ngữ này, chính vì vậy, việc học tiếng Anh do Hà Phương phần nhiều. Chị Hiền cho hay, từ bé, Hà Phương đã thể hiện có năng khiếu về Ngoại ngữ.
“Lúc 3-4 tuổi, con đã có thể nhớ được nội dung các câu chuyện tiếng Anh. Con nghe nhiều đến mức thuộc cả mẩu truyện để kể lại cho mẹ”.
Chị Hiền thường cho con xem các kênh YouTube, phim hoạt hình, bài hát bằng tiếng Anh. Lớn hơn chút, chị cho con đọc sách truyện bằng tiếng Anh theo cấp độ tăng dần. "Ban đầu, tôi ưu tiên cho con xem những truyện nhiều hình ít chữ, để luyện khả năng nhận biết. Khi con dần có khả năng đọc hiểu, tỷ lệ chữ trong sách truyện sẽ nhiều dần theo”.
Theo chị Hiền, điều quan trọng nhất là phụ huynh cần bồi đắp cho con niềm yêu thích với sách, truyện. “Bởi thông qua đọc nhiều, con sẽ biết từ mới, nhớ từ vựng, nắm ngữ pháp, cách sử dụng từ trong từng hoàn cảnh, tình huống và kể cả lối hành văn. Con say sưa với sách và tiếng Anh nên mọi thứ như tự ngấm và trở thành bản năng”, chị Hiền chia sẻ.
Khi con bắt đầu vào tiểu học, chị cũng đăng ký cho con học thêm ở trung tâm tiếng Anh để phát triển khả năng. Tuy nhiên, theo chị Hiền, điều quan trọng nhất vẫn là phải kiên trì, đều đặn cho con học và nghe tiếng Anh hằng ngày, kết hợp tiếng Anh với các hoạt động hàng ngày.
Nói về việc học, Hà Phương cho hay, không có bí quyết đặc biệt mà cách học hiệu quả với bản thân là tự học thông qua đọc sách báo, xem phim và nghe nhạc bằng tiếng Anh. “Những việc này giúp em được bồi đắp, tích lũy dần về kiến thức, từ vựng và cách phát âm. Vừa học cũng vừa là những sở thích, hoạt động em coi là giải trí sau giờ học”, Hà Phương nói.
“Qua đọc sách, em không cần phải tra cứu và học thuộc nhiều từ vựng mà tự nhớ theo bối cảnh được sử dụng. Cùng đó, em cũng biết thêm cách giao tiếp, dùng từ trong từng ngữ cảnh”.
Với các môn học khác, Hà Phương tập trung chú ý nghe giảng để lĩnh hội kiến thức ở trên lớp và về nhà chỉ mất ít thời gian ôn lại và phát triển thêm.
Ngoài 8.5 IELTS, kết quả học tập của Hà Phương ở trường cũng rất ấn tượng với nhiều thành tích đạt được như: giải Ba cuộc thi Tiếng Anh quốc tế TOEFL Junior Challenge dành cho học sinh THCS năm học 2022-2023, Giải Nhì Trạng nguyên tiếng Anh, 3 huy chương vàng World Scholar Cup, giải Nhì học sinh giỏi tiếng Anh cấp quận... cùng nhiều hoạt động ngoại khóa khác.
Hà Phương cho hay, với Tiếng Anh, em không muốn chỉ dừng lại ở điểm số của những kỳ thi mà quan trọng hơn muốn dùng nó làm công cụ để phát triển bản thân trong tương lai, đi du lịch cũng như tìm hiểu các nền văn hóa trên thế giới và xa hơn là du học.
Nói về học trò, bà Chu Thị Xuân Hường - Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), đánh giá Hà Phương là một học sinh học giỏi toàn diện nhiều môn. Em cũng là học sinh đầu tiên của trường giành được điểm số 8.5 IELTS.
Bà Hường cho hay, Hà Phương là một trong những “cánh chim đầu đàn” để thúc đẩy phong trào học tập tiếng Anh của học sinh toàn trường. “Hà Phương luôn muốn chia sẻ việc học và kiến thức với các bạn. Cụ thể, năm ngoái, em chủ động đề xuất với tôi về việc muốn thành lập một câu lạc bộ đọc sách tiếng Anh tại trường. Thấy đề xuất của học sinh đúng đắn, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và giao em làm trưởng câu lạc bộ với hy vọng lan tỏa tinh thần học tập với học sinh toàn trường”, bà Hường chia sẻ.
Hà Phương cũng là thành viên trong đội của trường tham gia cuộc thi Tài năng Anh ngữ do Hội đồng Đội Trung ương tổ chức và giành giải Nhất cuối năm 2023. Ngoài ra, em cũng cùng đội của trường vào đến tứ kết cuộc thi tranh biện lớn.
Theo bà Hường, ngoài Hà Phương, nhà trường cũng có nhiều học sinh đạt được các thành tích tốt, giải thưởng về Tiếng Anh tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp quận và thành phố...
"Công cụ máy tính cuối cùng cũng chỉ là những cây bút chì đắt tiền", Cathal Gaffney - Giám đốc điều hành của Brown Bag Films tại Dublin nhận định.
"Chúng là công cụ sáng tạo để hỗ trợ các nghệ sĩ hiện thực hoá trí tưởng tượng của họ. Chúng cho phép các nghệ sĩ, nhà sản xuất và đạo diễn tạo ra các tác phẩm. Những người sẽ mất việc vì AI là những người không biết cách sử dụng AI để giúp họ làm việc tốt hơn. AI là một công cụ năng suất, giúp giảm thiểu thời gian cho một số công việc nhất định. Ngành công nghiệp đang gặp khó khăn vì nhiều lý do. Ảnh hưởng của AI vẫn còn là điều khiến mọi người lo lắng, nhưng tôi nghĩ các trường đại học nên bắt đầu triển khai giảng dạy cho sinh viên về lợi ích của AI trong việc hỗ trợ một số công việc", Cathal Gaffney nói.
Tháng 3 vừa qua, tại lễ hội phim hoạt hình Animation Dingle ở Ireland, Gaffney đã tham gia một hội thảo có tên “Sự nổi lên của AI trong lĩnh vực sáng tạo”. Mục đích của hội thảo là mang đến cho sinh viên có nguyện vọng làm việc trong ngành hoạt hình cơ hội đặt ra câu hỏi cho các chuyên gia trong ngành về tác động của AI đến tương lai của họ.
Các công cụ AI như Stable Diffusion (được sử dụng để tạo hình ảnh từ các văn bản mô tả) và Midjourney (thường được sử dụng cho việc tạo ra hình ảnh nhanh chóng từ văn bản) đã làm thay đổi kỳ vọng trước đó về những gì có thể thực hiện được qua AI, nhưng chúng vẫn chưa phát triển đến mức khiến một số người lo lắng. Thị trường đang tràn ngập các trình tạo hình ảnh khác như DALL-E, ImageFX và NightCafe; nhiều công cụ AI như thế này đang liên tục được phát hành ra thị trường. Tuy nhiên, theo Delphine Doreau - Giám đốc chương trình hoạt hình tại Pulse College ở Dublin, các nhà hoạt hình và nhà sáng tạo vẫn là cội nguồn của những ý tưởng chính và trong tương lai cũng vậy. Tuy nhiên, họ có thể cần phải biết cách sử dụng các công cụ này để duy trì kỹ năng của mình.
"AI sử dụng dữ liệu để tạo ra sản phẩm", Doreau nói. "Nó không có tầm nhìn về tương lai; không có những dự báo hay sáng tạo đột phá; vì vậy, nó bị giới hạn. Các nghệ sĩ sẽ không bị thay thế vì điều đó không thể xảy ra chừng nào chúng ta còn muốn tạo ra những thứ đổi mới.”
AI cũng đặt ra những vấn đề phức tạp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Thường thì câu chuyện, nhân vật và hoạt hình tổng thể mất nhiều năm để phát triển từ giai đoạn tiền sản xuất đến quy trình sản xuất lặp đi lặp lại khi các cảnh được chiếu đi chiếu lại, làm việc theo nhóm và biên tập, chỉnh sửa. Nếu các nhà sáng tạo đưa tài liệu của họ vào AI để dạy nó tạo ra những thứ như bối cảnh để các nhà hoạt hình có thể loại bỏ việc lặp lại một số công việc nhất định trong quá trình sản xuất, thì điều đó không khác gì những nhà làm phim hoạt hình như Tom và Jerry lặp lại bối cảnh khi con chuột cố gắng thoát khỏi con mèo. Tuy nhiên, khi một công ty hoặc cá nhân bên ngoài sử dụng những tài liệu đó thì đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Drew Mullin - Giám đốc sản xuất của CBC Kids tại Canada tin rằng đây là cơ hội để các nhà sản xuất và nghệ sĩ sử dụng các công cụ này để giảm thời gian sản xuất, tuy nhiên việc kiểm soát cẩn thận những tài liệu nào sẽ được sử dụng để đào tạo AI cho các nhiệm vụ cụ thể sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho ngành.
Gaffney tin rằng các công ty sản xuất có trách nhiệm thảo luận về cách họ sẽ và sẽ không sử dụng AI trong công việc của họ. Anh dự định công bố chính sách của công ty mình trên trang web trong vài tuần tới. Chính sách này sẽ thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào cách các công cụ phát triển và cách sử dụng công nghệ phù hợp mà các nghệ sĩ tìm ra trong quá trình làm việc. "Tôi nghĩ rằng mỗi studio hoạt hình cần có một chính sách AI giống như chính sách về môi trường", Gaffney nói.
(Theo Variety)
" alt=""/>Ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đến các nhà làm phim hoạt hình